Hit Enter to search or Esc key to close

Kinh nghiệm Du lịch Hà Giang 2020 – Cẩm nang A-Z

Kinh nghiệm Du lịch Hà Giang 2020 – Cẩm nang A-Z

Thumbnail

Du lịch Hà Giang thường được biết đến là chốn núi rừng đại ngàn, thiên nhiên trong lành nhưng chi tiết hơn thì nơi đây có gì thu hút? Đến Hà Giang nên đi đâu? Đi mùa nào? Đặc sản Hà Giang có gì ngon?

Đặc biệt, nhắc đến Hà Giang là người ta nghĩ đến hoa tam giác mạch như một vị ‘đại sứ du lịch’. Vậy loài hoa mỏng manh có cái tên lạ lùng này có gì thú vị mà khiến người người lặn lội đi Tour Hà Giang chỉ để một lần được chiêm ngưỡng nó? Hãy cùng chúng tôi khám phá tất cả những câu hỏi đó qua bài viết dưới đây trước khi xách ba lô lên đi thực tế nhé!

I. Hà Giang ở đâu?

Hà Giang là một tỉnh miền núi, nằm ở cực Bắc Việt Nam. Đường từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang dài khoảng 280km, có thể tự lái ô tô, đi xe khách đường dài, xe tour du lịch hoặc xe máy đi ‘phượt’.
tour hà giang

Nhiều người thường nghĩ cứ có núi đồi, có ruộng bậc thang thì là gọi là vùng Tây Bắc nhưng không phải đâu nhé! Hà Giang nằm ở phía Đông Bắc, cùng với Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Bắc Giang. Còn Tây Bắc bao gồm một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên hay Mường Lay. Đây là điều nên biết nếu bạn muốn làm một chuyến du lịch xuyên các tỉnh nhé!

II. Đến Hà Giang như nào?

Như đã nói ở trên, từ Hà Nội đến Hà Giang, bạn có thể tự lái hoặc tự thuê ô tô, đi xe khách, tự đi xe máy hoặc đi theo tour du lịch.

Bản đồ Hà Nội – Hà Giang 

Xe khách

Từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm xe khách giường nằm lên thành phố Hà Giang, rồi từ Hà Giang tiếp tục thuê xe máy hoặc đi tiếp đến Đồng Văn hoặc các huyện khác. Tuyến đường đi xe khách phổ biến là Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì – Đoan Hùng – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang. Cách này phù hợp với đi một mình hoặc nhóm ít người, không ngại di chuyển, đổi xe đi các chặng.

Xe khách Hà Nội – Hà Giang

Tự đi/thuê ô tô

Nếu đi tự túc bằng ô tô từ Hà Nội lên Hà Giang, bạn có thể đi theo cung đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến thành phố Tuyên Quang thì rẽ phải đi Hà Giang. Cách này sẽ phù hợp hơn với những gia đình hoặc nhóm bạn muốn đi riêng, ở lại Hà Giang bao lâu tùy thích, chủ động đi đâu cũng được nhưng phải biết đường, biết lái ô tô và nắm rõ luật giao thông trên các tuyến đường.

Xe máy

Cung đường tự đi xe máy cũng như xe khách. Tuy nhiên do địa hình vùng núi của Hà Giang khá khó di chuyển, nhiều đường đèo, nhất là quãng đường ở Đồng Văn, Mèo Vạc nên hãy chắc chắn mình hoặc người đi cùng là ‘tay lái lụa’ hẵng đi nhé!

Những cung đường đèo uốn lượn ở Hà Giang

Đi theo tour Hà Giang

Đây là phương án ‘cứu cánh’ cho khá nhiều người, kể cả đi lẻ hay đi nhóm đông người. Công ty lữ hành sẽ lo hết từ chỗ ăn, chỗ ngủ nghỉ, chơi ở đâu, đi như nào,… bạn chỉ cần đăng ký tour, xách balo lên và đi theo thôi.

III. Du lịch Hà Giang địa điểm nào đẹp?

Một góc núi rừng Hà Giang

Mảnh đất này được thiên nhiên ưu ái, ban cho núi non trùng điệp, sông nước xanh ngát, hoa cỏ bốn mùa, đẹp như tranh họa đồ. Đây cũng là nơi cư trú của 24 dân tộc anh em, tạo nên không gian văn hóa đa dạng, trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch Hà Giang ưa thích tìm hiểu văn hóa. Dù cuộc sống của người dân giản dị, mộc mạc, phong cảnh có nơi còn hoang sợ nhưng đó cũng chính là điểm cuốn hút du khách, khiến người người đi về đều quyến luyến, nhớ thương. Dưới đây là một số địa điểm ưa thích của nhiều du khách đi tour Hà Giang, bạn có thể tham khảo cho lịch trình của mình nhé.

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ Quốc

Lũng Cú được ví như ‘điểm bắt đầu nước Nam’ và Cột Cờ Lũng Cú được mô phỏng theo cột cờ Hà Nội như minh chứng của niềm tự hào dân tộc, 54 dân tộc anh em luôn đoàn kết. Đây chính là điểm đến đầu tiên mà ai đi Hà Giang cũng muốn đến để cảm nhận ‘dòng chảy Tổ Quốc’ trong tim mình, được mặc chiếc áo đỏ sao vàng và chụp cùng lá cờ đỏ tung băng nơi địa đầu Tổ Quốc. Càng lên mỗi bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ, cảm xúc du khách sẽ càng như vỡ òa với cảnh núi non, ruộng đồng bát ngát chốn vùng cao này.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn được ví như ‘thiên đường màu xám’ nơi núi cao, hiểm trở, ở độ cao 1500m so với mực nước biển. Cao nguyên này trải dài trên khu vực hành chính của 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc. Chính bởi đặc điểm kiến tạo đặc biệt, nơi đây được công nhận là Công viên địa chất Đồng Văn.

Cao nguyên đá Đồng Văn 

Đi khắp dọc cao nguyên, du khách tour Hà Giang từ Hà Nội sẽ chỉ thấy màu xám trắng của những dãy núi tai mèo trải bạt ngàn. Những dãy núi đá chồng lên nhau, tầng tầng lớp lớp như bảo vệ sự yên bình cho mảnh đất này.

Nhìn từ trên cao, cao nguyên đá Đồng Văn gai góc nhưng không kém phần thơ mộng. Mỗi ngôi nhà của bà con dân tộc ở đây đều được bao bằng hàng rào đá. Ruộng bậc thang xen đá, hoa cải nở vàng xen đá, hoa tam giác mạch nở xen đá…mọi thứ nơi đây đều mang dáng hình kiên cường, mạnh mẽ trước thiên nhiên đầy chông gai.

Đèo Mã Pí Lèng – Sông Nho Quế – Hẻm Tu Sản

Con Đèo Mã Pí Lèng uốn lượn, ngoằn ngoèo dài 20km này được mệnh danh là “vua đèo vùng cao”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam. Dù là con đường nguy hiểm bậc nhất nhưng nơi đây có ý nghĩa quan trọng, là một phần giao thông huyết mạch của “con đường Hạnh Phúc” nối liền Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

Cung đường đèo Mã Pí Lèng qua Đồng Văn 

Đi theo tour Hà Giang giá rẻ đến đây, đứng trên trạm nghỉ chân giữa đèo bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác “bắt mây” lùa qua tay, ngắm những đồi hoa tam giác mạch lay lay trong gió, cảnh núi non hùng vĩ của đỉnh Mã Pí Lèng, con sông Nho Quế dịu êm cùng hẻm Tu Sản hùng vĩ.

Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc rồi chảy xuống xã Lũng Cú, Hà Giang. Tới hẻm Tu Sản, Sông Nho Quế chảy tiếp qua núi Mã Pì Lèng, đến Mèo Vạc thì tách làm 2 nhánh, chảy sang Cao Bằng, tiếp tục hành trình hòa vào cùng sông Gâm ở ngã ba Nà Mát.

Mùa hoa gạo bên sông Nho Quế

Nhìn từ Mã Pì Lèng, sông Nho Quế như một “nàng tiên sông” khoác tấm áo lụa mỏng màu xanh ngọc bích, nhẹ nhàng ngao du nhân gian.

Hẻm Tu Sản là hẻm vực sâu nhất Việt Nam, có chiều cao vách đá gần 800m, dài 1,7km và sâu gần 1km là kỳ quan độc nhất ở Đồng Văn. Từ hàng triệu năm trước, nơi đây còn chìm trong lòng đại dương. Rồi qua quá trình thay đổi, kiến tạo của Vỏ Trái Đất, nước rút xuống, bào mòn núi tạo ra di sản độc nhất vô nhị này.

Hẻm Tu Sản

Đi thuyền trên dòng Nho Quế qua đoạn hẻm vực này, du khách tour du lịch Hà Giang sẽ được chứng kiến sự hùng vĩ, sừng sững giữa trời của Hẻm Tu Sản, cùng dòng sông xanh ngọc, những cây hoa gạo nở đỏ thẫm, đẹp như một bức tranh.

Bản Sủng Là

Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn những năm gần đây được biết tới nhiều hơn qua bộ phim ‘Chuyện của Pao’, với khung cảnh bình dị, lặng lẽ của người dân và vẻ đẹp ‘gai góc’ của những ngôi nhà đá Trình Tường. Dù chỉ là một bản làng nhỏ nhưng khách đi tour Hà Giang 3 ngày 2 đêm thường dành kha khá thời gian ở đây để check-in, ‘sống ảo’, cho ra những bức ảnh để đời bên những ngôi nhà đơn sơ này.

Ngôi nhà trong bối cảnh bộ phim ‘Chuyện của Pao’

Làng văn hóa Lũng Cẩm ở Sủng Là luôn là điểm tham quan được gợi ý cho du khách, với điểm đến là ‘nhà của Pao’ hay những cánh đồng hoa. Mỗi mùa hoa xuân, hoa tam giác mạch cuối thu, đây cũng là nơi có hoa đào hồng, hoa mận trắng, hoa cải vàng rực rỡ hay tam giác mạch tím tím hồng hồng làm say lòng du khách, quyến luyến họ ở lại.

Dinh vua Mèo họ Vương 

Ngoài những địa điểm trên, Hà Giang còn có nhiều điểm đến khác như phố cổ Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, rừng thông Yên Minh hay những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn ở Hoàng Su Phì. Hãy thử một lần đến đây ngắm nhìn tận mắt, bạn sẽ thấy nơi đây tươi đẹp, trong lành đến nhường nào.

IV. Mỗi mùa du lịch Hà Giang có gì thú vị?

Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những điểm đến, phong cảnh tĩnh mà còn thu hút khách du lịch Hà Giang bởi những lễ hội, chợ phiên, mùa hoa, mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang, hay nổi bật hơn cả là mùa hoa tam giác mạch – loài hoa ‘sứ giả’ cho vùng đất ‘hoa chen đá’ này.

Mùa hoa tam giác mạch

Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Sủng Là

Hoa tam giác mạch được ví như ‘đại sứ du lịch Hà Giang’. Ban đầu chỉ là loài hoa trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói trong mùa đông, khi mùa lúa chưa đến. Sau đó nhờ du lịch phát triển và vẻ đẹp sắc hoa khi nở mà tam giác mạch cũng như Hà Giang được du khách biết đến nhiều hơn. Chỉ cần đến Hà Giang vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến tháng 11, đâu đâu khách đi tour Hà Giang cũng thấy những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn. Dưới chân cột cờ Lũng Cú, bản Sủng Là, bên đèo Mã Pí Lèng, Phố Cáo hay Quản Bạ… là những địa điểm được du khách đến lưu lại những bức hình chụp cùng hoa nhiều nhất.

Hoa Tam Giác Mạch là hoa gì?

Hoa tam giác mạch

Tam giác mạch, hay kiều mạch, lúa mạch đen (tiếng anh là buckwheat), được trồng ở vùng núi cao phía Bắc Việt Nam. Loại cây này thuộc họ đậu (Fabaceae), cánh hoa chụm lại với nhau thành hình chóp, ở giữa là hạt mạch. Do năng suất thấp hơn lúa và ngô, 1 sào ruộng chỉ có thể thu hoạch được hơn 20kg hạt nên diện tích trồng không được mở rộng nhiều, chủ yếu được dân vùng cao trồng làm thức ăn dự trữ, ủ men nấu rượu, làm thuốc, làm bánh.

Màu sắc của hoa tam giác mạch thay đổi theo từng giai đoạn. Khi mới nở hoa mang màu trắng tinh khôi, rồi chuyển sang hồng nhạt, hồng ánh tím rồi đỏ sẫm cuối cùng chuyển sang đen khi tàn thì không còn đẹp nữa. Bởi vậy khách du lịch tour Hà Giang có thể đến ngắm những cánh đồng hoa này nở rộ đẹp nhất vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, có năm từ giữa tháng 9 hoa đã bắt đầu lấm tấm màu trắng. Tam Giác Mạch ở khắp nơi trên đất Hà Giang, từ sườn đồi, ruộng bậc thang, có lúc thì vươn lên từ khe đá tai mèo, có lúc lại lấp ló bên hiên nhà.

Bánh tam giác mạch

Hiện giờ đời sống người dân miền núi cao đã bớt khó khăn, bởi vậy diện tích trồng cũng thu hẹp lại. Tuy nhiên với thương hiệu “đại sứ du lịch” của Hà Giang, hoa tam giác mạch không còn là loài cây vô danh trồng tự phát mà được chính quyền địa phương cấp giống và phân bón miễn phí, trồng quanh nhà, hoặc làm bánh, rượu đặc sản, thu hút khách tới du lịch Hà Giang.

Những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc

Chợ tình Khau Vai

Hà Giang có đến 24 dân tộc anh em, đồng nghĩa với việc mỗi bản làng, dân tộc lại có một phong tục, tập quán, lễ hội khác nhau. Hầu hết đều là các lễ hội để cảm tạ thần lúa, thần trăng, thần lửa,…những vị thần giúp mùa màng tươi tốt, người dân ấm no như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Gầu Tào, lễ hội nhảy lửa. Nổi bật hơn còn có chợ tình Khau Vai cho đôi lứa, trai gái hay lễ cấp sắc của người Dao – đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Các lễ hội này thường diễn ra vào mùa xuân, hoặc cuối thu đầu đông, là khi bắt đầu vào mùa vụ mới hoặc kết thúc mùa vụ, đến lúc nông nhàn.

Xuân về ngập tràn sắc hoa

Mùa hoa cải ở Quản Bạ

Hà Giang ngoài hoa tam giác mạch thì mùa hoa đào rừng, mận rừng hay hoa cải cũng là những thời điểm thu hút nhiều khách đi tour Hà Giang từ Hà Nội đến thưởng lãm. Sủng Là, Phố Cáo với hoa đào, mận nở trắng trời hay những cánh đồng hoa cải ở Quản Bạ luôn là địa điểm gợi ý nhiều nhất cho du khách.

Mùa nước đổ, mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang

Những bức ảnh về thửa ruộng bậc thang ở Hà Giang vàng ruộm, lấp lánh dưới ánh nắng luôn làm say lòng khách du lịch. Tuy nhiên trước mùa lúa chín vàng khi thu về, Hà Giang còn hấp dẫn khách thập phương bởi hình ảnh nước đổ ải, long lanh phản chiếu trời xanh, đặc biệt là ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì.

Mùa nước đổ ải ở Hà Giang

Mùa nước đổ, còn được gọi là mùa đổ ải, là thời điểm người dân dẫn nước vào ruộng để ngâm đất. Thời điểm này thường diễn ra vào tháng 5 – tháng 6. Nước ngấm vào đất, chảy qua những khe núi, qua ống nứa, tràn vào mặt ruộng bậc thang, tạo thành những màu tranh đặc biệt: vàng vàng hồng hồng của phù sa, xanh lá, xanh nhạt của mạ vừa gieo, chỗ khác thì phản chiếu màu trời xanh biếc hay tim tím khi chiều về.

Ngoài những mùa đặc trưng, những chợ phiên Hà Giang như chợ phiên Đồng Văn, Phố Cáo, hay Mèo Vạc cũng thu hút nhiều khách du lịch Hà Giang đến thưởng thức những món ăn dân dã, sản vật địa phương hoặc chỉ đơn giản là để tận hưởng văn hóa của một miền núi đồi.

V. Đặc sản Hà Giang có gì ngon?

Phải nói trước rằng, Hà Giang là miền đất dân tộc với những món ăn dân dã thường ngày, vậy nên nếu đến đây tìm sơn hào hải vị, những món ăn đẹp mắt, bày biện sang trọng thì có lẽ bạn sẽ thất vọng đôi phần nhưng hãy nán lại đã. Vị ngon những đặc sản núi rừng nơi đây chắc chắn sẽ níu chân bạn lại. Dưới đây là một số đặc sản Hà Giang được du khách gợi ý, cùng tham khảo rồi tìm đến ăn khi đi Hà Giang nhé!

Thắng cố

Thắng cố Hà Giang

Đến Hà Giang chắc chắn phải ăn thử Thắng Cố. Thắng cố có nơi dùng thịt bò, thịt trâu hoặc lợn, nhưng ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa. Thắng cố được chế biến từ nội tạng ngựa, ướp cùng nhiều loại gia vị như thảo quả, địa điền, lá chanh, sả…. rồi ninh sôi sùng sục trong nhiều giờ.

Món ăn này được ví như “vua” của mỗi phiên chợ bởi đã đến chợ phiên là phải ngồi cùng bạn bè, nhâm nhi một chén rượu ngô, ăn cùng thắng cố, trò chuyện dăm ba hồi.

Bánh hoa tam giác mạch

Bánh tam giác mạch

Như đã nói trên, hoa tam giác mạch trước khi là ‘đại sứ du lịch’ của vùng đất Hà Giang thì đã từng là lương thực cứu đói trong mùa đông và dùng với nhiều mục đích khác. Thân cây hoa được dùng như rau ăn thường ngày, rồi cả thân và lá được dùng như một vị thuốc Đông Y chữa dạ dày, và hạt hoa có thể dùng ủ rượu hoặc làm bánh hoa tam giác mạch. Hạt hoa được thu hoạch, phơi xay thành bột như bột mì, nặn thành bánh, đem đi hấp chín, sau đó lại nướng thêm cho dậy mùi. Hương thơm dìu dịu từ chiếc bánh chắc chắn sẽ làm hài lòng những thực khách đến Hà Giang.

Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu

Từ một loại củ độc, người dân vùng cao đã chế biến ra được một món ngon có một không hai, mang hương vị đăng đắng, bùi bùi và béo ngậy, đặc biệt là cực kỳ bổ dưỡng.

Cháo ấu tẩu ngon là khi ấu tẩu được ninh kỹ khoảng hơn 12 tiếng, cho nhừ tơi, hết độc tố, rồi ninh cùng cháo và nước xương, chân giò. Khi ăn thì cho thêm hành, ớt, tía tô, trứng… Vị bùi đắng của ấu tẩu, thơm ngậy của chân giò cùng các loại gia vị tạo nên hương vị mà chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi không quên.

Bánh cuốn Hà Giang

Bánh cuốn Hà Giang

Du khách đi tour Hà Giang từ Hà Nội ăn thử bánh cuốn Hà Giang đều thấy lạ lẫm. Khác với bánh cuốn dưới xuôi dùng nước chấm là mắm pha ngọt, bánh cuốn ở đây có nhân trứng, ăn kèm nước xương hầm pha chút muối, thả ít hành hoa cùng giò lụa.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp

Từ lâu, thịt gác bếp đã là món ăn thơm ngon, hội tụ những nét văn hóa miền rừng núi nơi đây. Với địa hình giao thông hiểm trở, thời tiết khó khăn, người dân Hà Giang luôn phải nghĩ ra những món ăn có thể dự trữ được lâu nhất mà không làm thay đổi hương vị vốn có. Từ ấy, những món thịt gác bếp ra đời.

Thịt trâu sau khi mổ được ướp với ớt, gừng, tiêu, để khô rồi gác lên bếp củi hun quắt lại. Gia vị ướp đặc trưng còn có hạt dổi, mắc khén mà không thể tìm được ở nơi khác.

Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam Bắc Mê

Nhắc đến cơm lam là nhắc đến vùng miền núi. Cơm lam ở Hà Giang dùng gạo nếp, gạo tẻ, vo kỹ, dùng nước mạch ngầm để nấu cùng, cho vào ống tre non rồi bịt đầu lại bằng lá chuối, đặt lên than đỏ hun nóng. Cơm chín sẽ thơm lừng mùi nếp, mùi tre cùng mùi lá chuối thơm lừng, ăn với muối vừng hoặc “sang hơn”, thì ăn cùng cá suối nướng. Quả là một trải nghiệm “ấm cái bụng” phải không!

Bạn có thể xem thêm bài viết 5 món ăn độc đáo nhất ở Hà Giang để biết nên đi đâu ăn gì ở Hà Giang trước khi đi du lịch Hà Giang nhé!

VI. Mua gì ở Hà Giang về làm quà?

Chè shan tuyết

Nếu vẫn còn nhớ thương ‘mùi’ Hà Giang, muốn đem chúng về chia sẻ cùng bạn bè, người thân thì chè shan tuyết, lạp xưởng gác bếp, thịt trâu gác bếp, cam sành Bắc Quang hay thịt lợn cắp nách sẽ là những món quà gợi ý hàng đầu. Để biết chi tiết hơn, bạn có thể đọc qua bài viết “Đặc sản Hà Giang nào đáng mua làm quà?” nhé!

Trên đây là một số thông tin về Du lịch Hà Giang như Hà Giang ở đâu, đến đây như nào, các điểm tham quan phổ biến, những mùa đặc biệt hay những đặc sản Hà Giang làm mê lòng du khách. Hy vọng những điều trên sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát nhất về Hà Giang, chọn được hành trình cho kỳ nghỉ sắp tới của mình. Đừng quên theo dõi những bài viết khác về Hà Giang của chúng tôi để có nhiều thông tin cập nhật hơn nhé!