Tổng quan du lịch Sapa
Sapa là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi và ban tặng những vẻ đẹp mộc mạc, kỳ bí với bao điều kỳ diệu của cảnh sắc, thiên nhiên và con người nơi đây. Sapa như mộc bức tranh thủy mạc được điểm nét, chấm phá với màu xanh của rừng, màu vàng của lúa, địa hình; địa thể hiểm trở của núi rừng đã tạo nên một vùng đất với những cảnh sắc thơ mộng và quyến rũ.
Kham phá Kinh nghiệm du lịch Sapa
Đến với Sapa, bạn không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc, khí hậu, thiên nhiên, con người nơi đây mà tại vùng đất này bạn sẽ có những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ: trinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan, ngắm hoàng hôn tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ,…
Khí hậu
Có lẽ vì được thiên nhiên “ưu ái” cho nên khí hậu tại Sapa chính là “vũ khí bí mật” thu hút du khách đến với vùng đất này. Nằm ở độ cao trung bình từ 1500m – 1800m, khí hậu Sapa mang sắc thái xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8, Sapa có mưa nhiều. Cuối năm, khi mùa đông đến, nhiệt độ ở Sapa có thể xuống dưới 0 độ, đôi khi có tuyết rơi.
Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất
- Thời điểm thích hợp nhất để du lịch Sapa là từ tháng 9 đến tháng 11 hoặc từ tháng 3 đến 5. Thời điểm này thời tiết Sapa ổn định, ngày nắng khô, đêm lạnh.
- Tháng 4 – 5, là thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ tạo nên một vẻ đẹp mới lạ, độc đáo tại nơi đây. Ngoài ra, thời gian này cũng là thời gian nhiều hoa đẹp nở.
- Tháng 9 – 10 là mùa lúa chín, khi ấy thì khắp mọi góc nhìn Sapa đều rực vàng. Vào khoảng thời gian này, Sapa như khoác lên mình màu áo mới – màu vàng óng trên khắp những quả đồi. Nhưng bạn nên đi vào giữa hoặc cuối tháng 9, sang tháng 10 nhiều nơi đã gặt xong.
Sapa mùa lúa chín như một bức tranh thủy mạc
- Tháng 12 đến tháng 2 trời rất lạnh, có thể xuất hiện băng và thỉnh thoảng có tuyết rơi. Đây cũng là mùa hoa đào nở.
Tuyết rơi tại Sapa tạo nên nét đẹp riêng độc đáo cho vùng đất này
Đến Sapa bằng phương tiện gì?
Nằm cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km, bạn có thể lựa chọn các loại phương tiện sau để có thể di chuyển đến Sapa: tàu hỏa, ô tô khách, ô tô giường nằm,…
Tàu hỏa:
- Nếu bạn đi Sapa bạn phải di chuyển qua ga Trần Quý Cáp. Mặc dù ngày nay đường xá giao thông thuận lợi, tuy nhiên, tàu hỏa chỉ dừng tại ga Lào Cai, bạn phải bắt xe để di chuyển lên tới Sapa. Thế nhưng trải nghiệm đi tàu cũng là một trong những trải nghiệm vô cùng lý thú bạn nhé.
- Tàu hỏa có nhiều loại ghế như ghế mềm, giường nằm điều hòa… Tàu chạy lúc 9 hoặc 10 giờ tối đến nơi vào sáng sớm hôm sau.
Tàu leo núi Sapa
Xe khách
Đi xe khách lên sapa
Di chuyển tại Sapa
- Thuê xe máy: Với mức giá dao động từ 120.000 – 180.000 VNĐ/xe bạn có thể vi vu khắp hang cùng ngõ hẹp tại Sapa. Tuy nhiên, mức giá trên được tính áp dụng trong 1 ngày ( từ 6h sáng đến 18h tối). Bạn có thuê sáng hay tối thì vẫn đều áp dụng mức giá chung.
Thuê xe máy để đi thăm thú trên Sapa
- Thuê xe ôm: Với những bạn đi du lịch 1 mình thì việc thuê xe ôm có lẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất. Mức giá từ 100.000 – 150.000 VNĐ cho 4-5 địa điểm nổi tiếng gần nhau.
- Ngoài ra, các bạn cũng có thể thuê taxi nhé. Tuy nhiên, những bản làng của người dân tộc thường năm sâu trong ngõ nhỏ, đường vào bé. Vì vậy, bạn nên lưu ý cân nhắc phương án này nhé.
Những địa danh không thể bỏ qua khi du lịch Sapa
Để không thể bỏ lỡ bất cứ điểm du lịch nổi tiếng nào tại Sapa, ezCloud sẽ liệt kê danh sách giúp bạn:
NÚI HÀM RỒNG
Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được phóng tầm mắt để ngắm nhìn toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Vị trí: Ngay trung tâm thị trấn Sapa.
Quang cảnh núi Hàm Rồng Sapa
NHÀ THỜ ĐÁ SAPA
Nhà thờ đá Sapa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sapa mù sương.
Vị trí: Trung tâm thị trấn Sapa.
Nhà thờ đá địa điểm nổi tiếng tại Sapa
BẢN CÁT CÁT
Là một bản lâu đời của người Mông, nơi đây còn lưu giữ nhiều nghệ thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát.
Vị trí: Cách trung tâm thị trấn Sapa 2km.
Địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi tới Sapa
THUNG LŨNG MƯỜNG HOA – BÃI ĐÁ CỔ SAPA
Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.
Vị trí: Xã Hầu Thào, cách thị trấn Sapa 8 km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sapa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao, bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa.
Vẻ đẹp thơ mộng của thung lũng Mường Hoa
FANSIPAN – NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG
Địa điểm mà bạn không thể bỏ lỡ đó chính là chinh phục đỉnh FANSIPAN – ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Hiện nay, việc chinh phục nóc nhà Đông Dương có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn: Bạn có thể đi Trekking Fansipan: theo tour của các công ty du lịch hoặc tự tổ chức với sự dẫn đường của dân địa phương người dân tộc Mông, Dao. Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…
Hoặc bạn cũng có thể chọn đi cáp treo. Tuyến cáp treo Fansipan, đã giúp hàng chục nghìn du khách đã đặt chân tới đỉnh Fansipan chiêm ngưỡng, khám phá, chinh phục nóc nhà cao nhất Đông Dương. Đây cũng là tuyến cáp treo được Guinness chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m. Thời gian để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan bây giờ cũng được rút ngắn từ 2 ngày xuống chỉ còn 15 phút.
Vị trí: Cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam.
đỉnh Fansipan
THÁC BẠC – THÁC TÌNH YÊU
Từ thị trấn Sapa, đi về phía Tây khoảng 11 km trên đường đi Lai Châu, bạn sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 100 m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên, vào mùa khô, bạn nên cân nhắc khi tham quan Thác Bạc vì khi ấy thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc là đến Cổng Trời để ngắm xuống thung lũng Lai Châu và đỉnh Fansipan hùng vĩ. Nếu thích đi bộ, bạn có thể dừng chân ở Trạm Tôn và đi xuyên vào vườn quốc gia Hoàng Liên, khoảng hơn 1 km để khám phá thác Tình Yêu.
Vẻ đẹp của thác Tình Yêu Sapa
Vị trí: Từ thị trấn Sapa, đi về phía Tây khoảng 12 km, trên đường đi Lai Châu.
CỔNG TRỜI
Đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sapa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Fansipan vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.
Vị trí: Cách thị trấn Sapa 18km về hướng Bắc.
Khung cảnh nhìn từ Cổng trời Sapa
Và còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn nữa bạn hãy tìm hiểu thêm tại: Top 12 điểm đến lý tưởng tại Sapa bạn không nên bỏ lỡ
Ăn gì ở Sapa?
Ngoài khám phá những địa danh nổi tiếng tại Sapa thì việc mà bạn nhất định không thể bỏ qua đó chính là khám phá ẩm thực tại vùng đất này.
1. Đồ nướng
Nhắc tới Sapa là bạn không thể không nhắc tới “đồ nướng” nơi đây. Đồ nướng Sa Pa rất đa dạng với đủ thịt lợn bản xiên, ba chỉ nguyên miếng, cánh gà, chim cút, lòng, bò cuốn cải mèo, bò cuốn nấm kim, chả cá hồi hay thanh đạm hơn là những xiên rau, nấm… Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là lấy một chiếc đĩa, chọn lấy những xiên que mình thích rồi đợi chủ quán nướng đều trên than hoa.
đồ nướng tại sapa
2. Cá hồi – Gỏi Lẩu cá hồi
Đến Sapa mà không thưởng thức lẩu cá hồi, thì quả thật là vô cùng đáng tiếc. Khác với cá hồi nhập khẩu, cá hồi ở Sapa có vị ngon ngọt mà không ngòi bút nào có thể tả được. Từng thớ cá săn chắc, ngọt thịt, màu hồng cam đẹp mắt kết hợp với măng chua, lá giang, bông bí, hoa chuối… trong món lẩu thơm ngon khiến du khách thích thú khi đến thăm vùng đất này. Ngoài lẩu, cá hồi còn có thể chế biến thành món nướng, món gỏi, nấu cà ri.
lẩu cá hồi
3. Cơm lam
Là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, nguyên liệu chính là gạo nếp được nướng trong ống tre. Khi nướng chín, chỉ cần chẻ bỏ phần vỏ tre cháy bên ngoài, chừa lại một lớp lạt tre mỏng vừa tay người bóc khi ăn cơm. Cơm lam phổ biến và được yêu thích bởi vị ngon ấn tượng của gạo nếp, nước suối và hương thơm nhẹ nhàng của tre.
Cơm Lam Sapa
4. Thắng cố
Là một trong những loại đặc sản của dân tộc Mông. Thắng cố Sa Pa chế biến chủ yếu từ ngựa, một nồi thắng cố có thịt, tim, gan, lòng, tiết ngựa và 12 thứ gia vị: thảo quả, quế chi, sả, gừng và nhiều thứ gia vị gia truyền khác, trong đó, cây thắng cố là gia vị thứ 12. Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa thả vào.
Thắng cố thường ăn kèm với các loại rau nhúng cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu,… Ăn thắng cố phải uống cùng rượu ngô, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết từ tinh hoa của núi rừng. Khi đồ ăn thức uống hòa quyện vào nhau sẽ tạo ra một cảm giác dễ chịu và khó quên.
thắng cố tại sapa
5. Xôi ngũ sắc
Đến với Sapa ngoài cảnh sắc, khí hậu, thiên nhiên nơi đây thì những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất này cũng làm nên vẻ đẹp riêng và giữ chân du khách. Các món ăn mang đậm chất cổ truyền của người bản địa chính là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch tại đây, trong đó có món xôi ngũ sắc.
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của dân tộc Nùng. 7 màu của xôi gồm màu đỏ tươi, màu đỏ thẫm, nâu, màu xanh cửu long, màu xanh chuối, xanh vàng và vàng tượng trưng cho ngũ hành – trắng là Kim, xanh là Mộc, tím (thay cho đen) là Thủy, đỏ là Hỏa và vàng là Thổ, như một chiếc cầu vồng đủ sắc trong nền ẩm thực Sapa.
Nồi xôi thơm ngon phải được nấu bằng nếp Tú Lệ nổi tiếng và tuân thủ một quy trình từ khâu chọn lá rừng hay các loại thực vật để nhuộm màu hạt nếp cho đến công đoạn đồ xôi. Màu đỏ thì dùng quả gấc hay lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi; màu vàng dùng nghệ già giã lấy nước; màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau.
xôi ngũ sắc sapa
6. Cải mèo Sapa
Là vùng miền núi phía Bắc, vì vậy những món ăn tại Sapa thường mang những nét đặc trưng tại vùng đất này. Loại rau này chỉ được trồng ở những nơi xứ lạnh này và chỉ được trồng tại vùng Sapa này mà thôi. Vì lý do đó mà cứ một đợt tháng Giêng, du khách đến khu du lịch Sapa lại đổ xô tìm mua loại cải ngọt giòn giòn tạo nên vị ngon hấp dẫn và đặc biệt của miền sơ cước này.
Rau cải mèo có một vị ngon và giòn rất đặc biệt, đó cũng là lý do mà loại cải này trở thành một loại đặc sản rất được khách du lịch ưa thích và không thể tối chừ khi đến đây.
cải mèo sapa
7. Thịt lợn cắp nách
Thịt lợn cắp nách là một thứ đặc sản mang phong vị riêng của Sapa. Cái tên “lợn cắp nách” bắt nguồn từ việc người dân địa phương xách lợn cắp nách đen bán ở các phiên chợ. Loài lợn này có thịt thơm, chúng được thả rông và tự kiếm ăn trên sườn dốc núi. Thịt lợn cắp nách rất nổi tiếng tại Sapa và được sử dụng chế biến nhiều món ăn đặc biệt. Giá lợn khoảng tầm 100.000 – 200.000 đồng/kg. Chúng được bày bán tại các phiên chợ tại Sapa phục vụ du khách.
thịt lợn cắp nách
8. Gà đen Sapa
Gà đen Sapa với bề ngoài “xấu xí” có làn da ‘đen sì” lại chính là món ăn đặc sản của Sapa. Gà đen khá nhỏ, nhưng thịt lại chắc và xương thì giòn tan. Thịt gà được tẩm ướp khéo léo cùng với gia vị, sau đó phết lên một lớp mật ong vàng óng ánh. Khi nướng với than hồng, miếng thịt có mùi thơm lừng và ngọt lịm, chấm miếng thịt gà với muối chanh ăn cùng, cảm giác ngọt từ đầu lưỡi lan tỏa khắp cơ thể. Và chắc chắn du khách không thể từ chối món ăn này tại Sapa.
gà đen Sapa
9. Thịt sấy “Khăng gai”
Là các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt trâu, bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 – 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ. Các loại thịt này khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng… Thịt có mùi thơm và bùi.
Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.
Thịt sấy Khăng gai
10. Cá suối nướng
Cá suối Sapa chiên hoặc nướng cũng là một trong những món không thể bỏ lỡ. Cá suối lướn cỡ 2-3 ngón tay, thường có màu xanh. Đặc biệt, cá suối Sapa không hề có vị tanh, xương cá nhiều nên thường được chế biến bằng phương pháp chiên ăn cả xương lẫn thịt. Cá bùi bùi, lớp vảy mỏng sờn, thịt thơm và ngọt, xương thì giòn tan.
Cá suối nướng Sapa
Trên đây là những thông tin tổng quan về Du lịch Sapa chúc bạn có một trải nghiệm thú vị khi tự mình khám phá điểm du lịch nơi độc đáo nhất Việt nam có sương khói mờ ảo trên “nóc nhà” Đông dương, có tuyết trắng bao phủ và có những ruộng bậc thang trải dài từ đỉnh xuống tận chân núi!
Nếu người thân của bạn đang lên kế hoạch du lịch Sapa đừng ngần ngại chia sẻ thông tin này tới những người thân của bạn nhé!